Blog
Sicilian Dragon
Wikipedia

Sicilian Dragon

khangdangphuc
| 0

Nước đi

1.e4 c5 2.Mf3 d6 3.d4 cxd4 4.Mxd4 Mf6 5.Mc3 g6

ECO

B70–B79

Nguồn gốc

Louis Paulsen (c. 1880)

Đặt theo tên

Chòm sao Thiên Long (Draco)

Một dạng của

Sicilian mở



Trong phương án này, Đen fianchetto [ct 1] Tượng ô đen lên đường chéo h8-a1. Đây là một trong những biến sắc nét nhất trong phòng thủ Sicilian cũng như trong khai cuộc cờ vua nói chung[ct 2].[2]

Hình thế hiện đại của phương án con rồng có nguồn gốc từ kỳ thủ người Đức Louis Paulsen vào khoảng những năm 1880.[3] Henry Bird là kỳ thủ thường xuyên chơi phương án này trong thập niên đó, về sau nó được hưởng ứng chung bởi Harry Nelson Pillsbury và một số kiện tướng khác vào những năm 1900.

Tên gọi "con rồng" được đặt ra lần đầu bởi kiện tướng người Nga đồng thời là nhà thiên văn học nghiệp dư Fyodor Dus-Chotimirsky, người đã nhận thấy sự giống nhau giữa cấu trúc Tốt cánh Vua của Đen và chòm sao Thiên Long (Draco).[4]

Tấn công Yugoslav: 6.Te3 Tg7 7.f3 0-0 8.Hd2 Mc6



Tấn công Yugoslav được xem là diễn biến chính đem đến tối đa số lượng cơ hội cho cả hai bên, tiếp tục với:

6. Te3 Tg7 7. f3

Nước 7.f3 đã bảo vệ ô e4 và ngăn không cho Đen chơi...Mg4 quấy nhiễu Tượng ô đen của Trắng đang ở e3. Đen không thể chơi 6.Te3 Mg4?? ngay lập tức vì 7.Tb5+ sẽ khiến họ mất quân, do sau nước bắt buộc 7...Td7 Trắng có thể Hxg4 ăn Mã g4 do Tượng d7 đã bị giằng.

7... 0-0 8. Hd2 Mc6

đến đây về cơ bản có hai nhánh chính: 9. 0-0-0 thiên về lối chơi vị trí trong khi 9. Tc4 dẫn đến thế trận mang tính chiến thuật cao.

Tấn công Yugoslav là ví dụ tiêu biểu cho tinh thần của phương án con rồng: hai bên đẩy Tốt ở hai cánh khác nhau nhắm thẳng đến việc chiếu mat (chiếu hết) Vua đối phương.[ct 3] Trắng sẽ cố gắng phá vỡ hệ thống phòng thủ của Đen bên cánh Vua, tập trung vào cột h và từ đó chiếu mat Vua Đen, còn Đen sẽ tìm kiếm cơ hội phản công bên cánh Hậu. Chiến lược điển hình của Trắng là đổi quân Tượng ô đen bằng Te3-h6, sau đó thí quân để mở cột h, khai thác áp lực trên đường chéo a2-g8 và ô yếu điểm d5.

Đen thường sẽ phản công bên cánh Hậu, sử dụng Tốt bên cánh đó, cùng với Xe và Tượng ô đen. Đôi khi Đen chơi h5 (phương án Soltis) để phòng thủ trước đợt tấn công của Trắng bên cánh Vua. Những hướng đi điển hình khác cho Đen là đổi Tượng ô trắng bằng Mc6–e5–c4, gây áp lực lên cột c, đổi quân hy sinh [ct 4] ở ô c3, tiến Tốt b và gây áp lực lên đường chéo dài. Đen thường sẽ bỏ qua nước...a6 vì nếu như vậy Trắng nhìn chung sẽ thắng trong cuộc chiến đẩy Tốt do Đen có Tốt ở g6 giúp Trắng tấn công nhanh hơn. Nhìn chung, Trắng thường sẽ tránh tiến các Tốt a2/b2/c2, và như thế lực lượng Tốt của Đen bên cánh Hậu gần như luôn luôn chậm hơn Trắng bên cánh Vua. Đen thường có thể đạt được một tàn cuộc chấp nhận được kể cả sau khi đổi quân hy sinh do đối phương có Tốt chồng cũng như việc họ đã thí Tốt h.

Tấn công Yugoslav với 9.0-0-0

Diễn biến chính cũ này đã có một sự trở lại lớn, sau nhiều năm người ta tin rằng cơ hội và cách chơi tốt nhất cho Trắng để giành lợi thế nằm ở diễn biến chính với 9.Tc4. Trắng bỏ qua Tc4 để tăng tốc độ tấn công, cách chơi này từng được nghĩ là sẽ cho phép Đen cân bằng cờ dễ dàng với 9...d5!?; tuy nhiên những phân tích sâu hơn và các ván đấu đã chứng minh điều đó là không hoàn toàn rõ ràng. Trên thực tế, gần đây Đen đã trải qua một giai đoạn khó khăn trong diễn biến 9...d5 do phải đối mặt với một ý tưởng tuyệt vời từ Ivanchuk giúp Trắng dường như có được lợi thế. Một số kỳ thủ cầm quân Đen bắt đầu thử nghiệm các cách khác như 9...Td7 và 9...Mxd4. May mắn cho Đen, diễn biến 9...d5 trong thực tiễn vẫn là hiệu quả hơn. Ý tưởng của Ivanchuk đã sớm bị hóa giải bởi một số phát hiện mới cho Đen. Trường hợp trong diễn biến dưới đây, tình huống mà những đánh giá đã bị đảo lộn bởi nước thí Hậu của Đại kiện tướng quốc tế Mikhail Golubev, một chuyên gia trong phương án con rồng: 9. 0-0-0 d5!? 10. Vb1!? Mxd4 11. e5! Mf5! 12. exf6 Txf6 13. Mxd5 Hxd5! 14. Hxd5 Mxe3 15. Hd3 Mxd1 16. Hxd1 Te6!, lúc này Đen gần như đã được bù đắp đầy đủ.

Tấn công Yugoslav với 9.Tc4

Mục đích của 9.Tc4 là để đề phòng nước...d6-d5 của Đen. Các biến sau nước đi này có tiếng là được phân tích rất nhiều. Ngoài việc canh giữ ô d5, phát triển Tượng lên c4 còn giúp Trắng có thêm quân hỗ trợ bên cánh Hậu và kiểm soát đường chéo a2-g8. Tuy nhiên, Tượng ở c4 là không an toàn, dễ bị tấn công bởi Xe Đen ở c8, nên thường Trắng phải lui Tượng về b3 giúp Đen có thêm thời gian củng cố đội hình. Với diễn biến này, phổ biến là việc Đen đổi quân hy sinh ở c3 để phá cấu trúc Tốt cánh Hậu của Trắng, và thí quân để mở đường chéo dài cho Tượng ở g7 cũng thường gặp. Một diễn biến ví dụ cho cả hai ý tưởng này là: 9. Tc4 Td7 10. 0-0-0 Xc8 11. Tb3 Me5 12. h4 Mc4 13. Txc4 Xxc4 14. h5 Mxh5 15. g4 Mf6 16. Th6 Mxe4! 17. He3 Xxc3!.